Nghi lễ Phật giáo không chỉ là mang tính hình thức, mà bản chất của nghi lễ Phật giáo là một phương tiện nhằm giúp cho con người tìm về sự giác ngộ, nhận ra giác tính, bồ đề hay phật tính của mình, giải thoát con người khỏi vòng luân hồi, sinh tử.
TT TS Thích Lệ Quang
Trưởng ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, Tp.HCM
TÓM TẮT: Nghi lễ Phật giáo Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt, là phương tiện hữu hiệu, góp phần giúp cho quá trình truyền bá giáo lý của đức Phật đi sâu vào cuộc sống một cách thiết thực. Hình thức của nghi lễ Phật giáo đáp ứng được những nhu cầu tâm linh của đại đa số quần chúng như cúng cầu phước, cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ… mang đến cho họ một niềm tin, một làn gió mát mẻ trong cuộc sống đầy biến động, lo âu và sợ hãi. Nghi lễ Phật giáo không những chỉ mang hình thức cúng bái, lễ nghi; mà nó còn mang đến những triết lý sống đầy ý nghĩa cho con người trong xã hội. Bài viết tập trung nghi lễ Phật giáo Viện Nam trong đời sống tâm linh của người Việt; nghi lễ thể hiện triết lý sống của Phật giáo.
Từ khóa: Nghi lễ Phật giáo Việt Nam, nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong đời sống tâm linh của người Việt, nghi lễ thể hiện triết lý sống của Phật giáo.
Nói đến Phật giáo, người ta thường suy nghĩ đến đức Phật, đệ tử, tín đồ của đức Phật và hơn nữa đó là hệ thống giáo lý của Ngài. Chính những điều này đã tạo nên nét đặc sắc riêng của Phật giáo. Khi nghiên cứu về Phật giáo, có rất nhiều cách tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau, đa dạng, phong phú từ hình thức cho đến tư tưởng triết học của nó. Song, Phật giáo không chỉ là những hệ thống giáo lý mang tính triết lý sống sâu sắc, cao cả, thông thái, được mọi tầng lớp trong xã hội đón nhận, đóng góp, phát triển cho sự bền bỉ của nền văn hóa Phật giáo trải qua hơn 2500 năm, mà nó còn nhìn nhận từ góc độ khác của loại hình Phật giáo, đó là nghi lễ Phật giáo.
Khi bàn về Phật giáo là gì? Hòa thượng weragoda Sarada viết: “… đó là một loại hình nghi lễ đã phát triển xung quanh giáo lý của đức Phật và sau cùng đã nâng lên thành một tôn giáo. Dù đức Phật có ý định hay không, giáo đoàn của Ngài cũng đã trở thành một tôn giáo mà người ta sẵn sàng trung thành, một tôn giáo có nghi lễ, tổ chức, đường lối, tiêu chuẩn riêng để quyết định điều gì đúng điều gì không đúng, đó là một loại Phật giáo khác” [1]. Trong thực tiễn, nghi lễ nói chung, nghi lễ Phật giáo Việt Nam nói riêng đã trở thành món ăn tinh thần của mọi tầng lớp trong xã hội, từ giai cấp thấp cho đến giai cấp cao; từ hạng thứ dân cho đến các bậc vua chúa; từ tầng lớp nghèo cho đến tầng lớp giàu trong xã hội… đều xem nghi lễ là một phần không thể tách rời của cuộc sống. Chính vì vậy, ở bất kỳ giai đoạn nào, thời đại nào, thì nghi lễ vẫn có ý nghĩa quan trọng, có vai trò to lớn trong đời sống tâm linh của con người, đặc biệt là người Việt.
Nghi lễ là một trong những đặc điểm của xã hội loài người, chịu sự quy định của truyền thống văn hóa của một cộng đồng, bao gồm cộng đồng tôn giáo trong đó có nghi lễ Phật giáo nói riêng. Theo Hán Việt tự điển, “nghi” được khái niệm là: “Dáng, như uy nghi; làm mẫu, làm phép; đồ lễ…”[2]. “Lễ” được khái niệm là: “Lễ, theo cái khuôn mẫu của người đã quy định ra các phép tắc, từ quan, hôn, tang, tế cho đến đi đứng nói năng đều có cái phép nhất định phải như thế gọi là lễ; kính lễ; đồ lễ…”[3]. Do vậy, nghi lễ được hiểu là nhằm bày tỏ sự cung kính của mình đối với đối tượng bên ngoài bằng những hình thức lễ nghi, cung kính, phép tắc. Nghi lễ xuất hiện trong các nghi thức tôn giáo, các buổi giao tiếp xã hội, được biểu hiện thông qua các nghi thức, thờ cúng, nghi thức cống hiến, lễ tang, tán tụng, cầu nguyện, hôn nhân… cho đến các bí tích của các tôn giáo, giáo phái có tổ chức.
Nghi lễ có quá trình phát triển lịch sử lâu dài, ra đời cách đây hàng nghìn năm, từ thời kỳ cuộc cách mạng đồ đá mới đã làm thay đổi về hành vi và văn hóa loài người.
Các nghiên cứu về thời kỳ này cũng cho thấy lễ nghi và đức tin con người xuất hiện cùng với việc nhu cầu tìm kiếm thức ăn, đồ mặc, nơi ở của con người, đặc biệt là các nghi thức liên hệ đến cái chết và nghi thức chôn cất của họ. Song, cũng có sự khác biệt trong cách tiến hành nghi thức, do sự khác nhau của từng nền văn hóa.
Nghi lễ tồn tại song hành cùng với các họat động của con người, nó biểu hiện thông qua các giao tế trong xã hội cho đến các hình thức tế lễ thần linh, tín ngưỡng, nghi thức tôn giáo. Con người trong quá trình phát triển xã hội, đã tạo ra nhiều hình thức nghi lễ, đa dạng, phong phú, phức tạp, nhằm đáp ứng cho nhu cầu của con người trong các mối quan hệ xã hội. Trong xã hội phong kiến Trung Hoa, Khổng Tử đề cao đến học thuyết “Chính danh định phận”, nhưng ông rất xem trọng lễ nghi, phép tắc, lễ tiết và chừng mực. Vì vậy, “lễ” là phẩm chất cao quý để đánh giá con người thông qua hành vi và cách cư xử của họ trong quá trình giao tiếp. Theo quan niệm của Nho giáo lễ nhạc là một nghi thức tôn giáo, thể hiện sự kết nối con người với cảnh giới của thần linh, kính ngưỡng đối kính thờ phụng Thượng đế. Khổng Tử cho rằng, bậc thánh nhân cũng có thể trị thiên hạ bằng lễ nhạc, ông viết: “Thiên hạ hữu đạo, tắc lễ nhạc chinh phạt tự thiên tử xuất. Thiên hạ vô đạo, tắc lễ nhạc, chinh phạt tự chư hầu xuất” [4]. Nghĩa là, thiên hạ thái bình thì lễ nhạc, chinh phạt phát ra từ thiên tử; thiên hạ loạn lạc thì lễ nhạc, chinh phạt phát ra từ vua chư hầu. Bậc quân vương cũng có thể trị thiên hạ bằng lễ nhạc, không cần dùng đến pháp luật hà khắc, đất nước cũng thái bình thịnh trị “Thánh nhân chi trị thiên hạ dã, ngại chư dĩ lễ nhạc”. Có thể thấy, Nho giáo xem lễ nhạc là một loại hành vi xã hội cùng với các hành vi xã hội khác, tạo thành sinh hoạt xã hội của con người. Do đó, lễ nhạc từ xưa không những có một giá trị tinh thần hết sức thiêng liêng, mà còn đóng vai trò quan trọng trong các nghi thức giao tiếp, tín ngưỡng, nghi lễ tôn giáo, tồn tại trong văn hóa dân gian một cách mật thiết. Nghi lễ đã trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống con người, từ truyền thống cho đến hiện đại.
Văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam rất phong phú với nhiều lễ hội dân gian, lễ hội cách mạng, lễ hội tôn giáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa tinh thần của cộng đồng. Các nghi thức của lễ hội truyền thống như Hèm tục trong tế lễ, là một bộ phận có tính lễ nghi và tục lệ trong thờ lễ, trong hội đám, như: Tục bày cỗ trên rế lót lá, xôi bày giữa, chung quanh bày thịt luộc và chả (ở xã Dị Nậu – huyện Tam Nông); tục cướp rượu ở làng Thúc Phê (thị trấn Hưng Hóa – huyện Tam Nông); tục thờ lễ sinh thực khí… Các hình thức trong tế lễ phản ánh và tái hiện qua những hình thức sinh hoạt xã hội cổ sơ của dân tộc vừa mang tín ngưỡng dân gian vừa mang hình thức tôn giáo. Người Việt thường có quan niệm “sống gửi, thác về”, cuộc sống này chỉ là sống tạm, vô thường, chỉ có gửi thân phận mình, trông chờ ở kiếp sau, vĩnh viễn lâu dài hơn, tốt hơn. Vì vậy, người Việt chú trọng đến các tục hiến tế cho người đã chết trong các nghi thức lễ tang tôn giáo. Đặc biệt, người Việt không những chịu ảnh hưởng của các nghi thức truyền thống văn hóa dân tộc, nghi thức Nho giáo, mà còn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các nghi thức, cúng kính của văn hóa Phật giáo.
Phật giáo truyền vào Việt Nam đã không ngừng tiếp thu, kế thừa, phát triển, dung hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, hòa nhập Phật pháp với văn hóa dân gian, tạo nên nét truyền thống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của dân tộc. Trong quan niệm của người Việt luôn luôn chứa đựng triết lý đạo đức của Phật giáo, tinh thần Từ bi, bác ái, cứu khổ, tư tưởng “vô thường, vô ngã”, thuyết nhân quả, luân hồi của Phật giáo. Do đó, trong các lễ cúng tổ tiên, đám tang, giỗ, kỵ, tục “thất thất”, họ đều mời các nhà sư đến tụng kinh, cầu nguyện để linh hồn người mất nghe tiếng tụng kinh mà được siêu thoát. Người Việt tin vào ân đức, phúc đức của tổ tiên; nếu tổ tiên sống có phúc đức thì con cháu được nhờ, cuộc sống an lành và ngược lại “gia môn bất hạnh”. Mặt khác, trong điều kiện xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất ngày càng nâng cao, cùng với đó là sự xuất hiện nhiều tệ nạn xã hội, sự tha hóa của con người trước cám dỗ của xã hội; đạo đức, lối sống bị suy thoái, mất dần cội nguồn lễ nghi, phép tắc. Do đó, việc cúng kỵ, giỗ, cúng ông bà, tang sự, người Việt đều xem trọng lễ tiết, lễ nghi Phật giáo, họ mời các sư về tụng kinh siêu độ, nhằm thức tỉnh con cháu sống có lễ tiết, không quên nguồn cội tổ tông. Trong dân gian thường truyền miệng rằng “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” hay câu “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Bảy”. Điều đó chứng tỏ rằng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người Việt lúc nào cũng gắn liền với các lễ nghi của Phật giáo, đặc biệt là lễ hội Vu lan Báo hiếu có vai trò, ý nghĩa rất to lớn trong việc giáo dục đạo lý làm người.
Giáo dục con người biết đến bổn phận, trách nhiệm của mình đối với bậc sinh thành, dưỡng dục. Người Việt có phong tục đi lễ chùa đầu năm cầu phúc cho gia đình, cúng rằm hằng tháng, cúng cơm cho người mất đều mời các sư về cúng, người chết gửi vào chùa để nghe kinh Phật, các lễ bố thí phóng sinh, họ đều nhờ đến nghi thức của Phật giáo. Mặc dù, đối với người Việt có người theo tôn giáo, có người không theo tôn giáo, nhưng trong tâm họ, hình ảnh ngôi chùa, các nhà sư, dường như hiện hữu và có một sự tôn kính thầm lặng trong lòng.
Người dân thường khi gặp trở ngại trong cuộc sống, họ thường niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát”, họ tin rằng Phật, Bồ tát sẽ che chở cho họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Điều đó phản ánh một phần không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng người Việt chịu ảnh hưởng rất lớn của Phật giáo. Song, nghi lễ không chỉ là những hình thức, lễ nghi cúng bái, mà nó còn truyền tải triết lý sống sâu sắc của Phật giáo, mang đến cho cuộc sống con người nhiều ý nghĩa, đạo lý làm người, nhằm góp phần xây dựng phẩm chất đạo đức cho con người, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp.
Nghi lễ Phật giáo ngoài chức năng chuyên môn về lễ nghi, đáp ứng nhu cầu cúng bái tâm linh của đại đa số quần chúng nhân dân, nó còn chứa đựng triết lý của Phật giáo thông qua nội dung các bài tán, tụng, sớ văn, vịnh, kệ… hết sức sâu sắc. Nghi thức không chỉ là phương tiện để độ sinh, đáp ứng nhu cầu cần thiết của tín đồ, mà còn phản ánh, truyền tải được triết lý của Phật giáo thông qua những nội dung của nó; đôi khi chúng ta chỉ chú trọng về hình thức, mà bỏ quên bản chất của nó. Vì vậy, mà nghi lễ Phật giáo đã bị xem nhẹ, bị thương mại hóa, trở thành một công cụ phục vụ cho lợi ích cá nhân hơn là tìm đến nghệ thuật, triết lý sống của nghi lễ Phật giáo. Trong các nghi thức tán tụng của Phật giáo Việt Nam, các Tổ sư, các nhà nghi lễ đã đưa các bài kinh, câu thần chú của đức Phật, Bồ tát vào trong các nghi thức ứng cúng, với nhiều ý nghĩa, mục đích khác nhau, nhằm đánh thức con người nhận thức được cuộc đời, hướng con người tìm về chân lý của Phật giáo. Mặc dù, nghi lễ Phật giáo Việt Nam có sự khác biệt ở cách tiếp cận vùng miền (nghi lễ miền Bắc, nghi lễ miền Trung, nghi lễ miền Nam), song tất cả đều phản ánh điểm chung nhất đó là sự truyền tải giáo lý Phật giáo trong sinh hoạt đời thường của quần chúng, giúp mọi người tìm về giá trị thực của con người thông qua các nghi thức tán tụng.
Thứ nhất, nhận thức về sinh tử. Một trong những vấn đề quan trọng của con người đó là quan niệm về sự sống và cái chết, được các nhà tư tưởng, các trường phái triết học Đông và Tây, từ cổ đại đến hiện đại đều xem xét, nghiên cứu hết sức nghiêm túc ở nhiều góc độ khác nhau. Con người sống trên cuộc đời luôn đối mặt với việc sinh và tử, không ai có thể thoát khỏi sinh – tử. Do vậy, trong nghi thức Phật giáo luôn luôn thể hiện những quan điểm cần thiết giúp cho người còn sống nhận thức được sự sống của con người là sự vận động, biến đổi không ngừng và luôn luôn chịu sự tác động của định luật vô thường, luân hồi. Trong phần nghi thức Tẩn liệm người chết, Hòa thượng Hoàn Quan viết: “Hữu sinh hữu tử hữu luân hồi, vô sinh vô tử vô khứ lai, sinh tử khứ lai đô thị mộng, tốc phao trần thế thượng liên đài” [5]. Việc sống chết không phân biệt tuổi tác già trẻ, cũng như Bành Tổ và Nhan Hồi đều không thoát khỏi định luật vô thường: “Bành Tổ niên cao (800 tuổi) kim hà tại, Nhan hồi thọ yểu (33 tuổi) diệc quy không, kham than thiếu lão bất đồng đồ, sinh tử đáo đầu quy nhất lộ” [6]. Do đó, người sống không chỉ khóc, tiếc thương cho người đã mất, mà còn phải hiểu rằng sống chết là chuyện bình thường, ai cũng phải già, chết, đó là giấc mộng, có sinh thì phải có tử; điều quan trọng đối với nhận thức của con người đó là “vô sinh vô tử”, hướng đến cảnh giới “liên hoa”, trở về với bản thể A Di Đà Phật của chính con người. Từ việc nhận thức cuộc sống đời là vô thường, giả tạo, con người phải sống như thế nào để giúp ích cho đời, cho cuộc sống xung quanh mình, sống có đạo lý làm người.
Thứ hai, thể hiện đạo lý làm người. Đạo làm người là đạo lý cơ bản, cốt lõi, nó không những là giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta, mà còn là giá trị cao quý trong Phật giáo Việt Nam, được biểu hiện thông qua các nghi lễ của Phật giáo Việt Nam nói riêng. Đạo làm người dựa trên những giá trị sống của con người thể hiện ở: Sống có đạo đức, hướng thiện, đề cao tình yêu thương con người, đạo hiếu, tri ân và báo ân, bổn phận, trách nhiệm… Các giá trị này được con người giữ gìn trong cuộc sống. Nó phản ánh mối quan hệ giữa tồn tại xã hội với ý thức xã hội có mối quan hệ biện chứng với nhau. Con người trong các vai trò cụ thể như vai trò làm cha, vai trò làm con, làm quan, làm dân…trong các mối quan hệ cụ thể của con người như là quan hệ cha con, quan hệ chồng vợ, quan hệ anh em… luôn luôn tuân thủ theo những quy luật, những nguyên tắc được xã hội quy định. Trên tinh thần đó, nghi lễ đã đáp ứng được những nhu cầu cần thiết và thông qua các hình thức nghi lễ tán, tụng, sớ văn… nó đã truyền tải thông điệp cho mọi người về triết lý sống hết sức sâu sắc, hài hòa, dung hợp đời và đạo. Một trong những điểm đặc sắc đó là nói về đạo hiếu, tinh thần tri ân và báo ân đối với cha mẹ, thầy bạn, quốc gia, dân tộc, ân đức Tam bảo, gọi chung là Tứ trọng ân. Đối với đạo hiếu, nhắc nhỡ chúng ta hiểu và thấy công ơn của cha mẹ, ông bà là những bậc sinh thành dưỡng dục, công lao to lớn.
Trong phần nghi thức Thành phục, Hòa thượng Hoàn Quan viết: “Phụ mẫu sinh thành thậm chí nan, tam niên nhũ bộ cực tân toan” [7]. Do vậy, ơn cha mẹ, cao như núi Thái, như nước trong nguồn chảy ra, cực khổ nuôi dạy con cái, không thể diễn tả bằng lời “Đây bát cơm đầy nặng ước mong, mẹ ơi đây ngọc với đây lòng, đây tình còn đọng trong tha thiết, ơn nghĩa sinh thành con chưa trả xong”; cao hơn nữa, là lòng tri ân, báo ân thầy tổ, giáo thọ sư, những người đã giáo dục, đào tạo, truyền trao kiến thức cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta trở về với Phật pháp. Đó là những bậc thầy “Thấy tính ngộ tâm, giúp đời dựng đạo, nối dòng truyền áo, chính thống chân truyền” [8], nhờ đó chúng ta có phước duyên để hướng về Tam bảo, được Tam bảo che chở, giúp chúng ta nhận thức, giác ngộ cuộc sống, về đạo hiếu, đạo làm người, từng bước thực hành lời dạy của đức Phật, sống tốt, giúp ích cho đạo và đời. Đặc biệt, là tri ân và báo ân đến quốc gia dân tộc, các bậc tiền bối, các anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ đất nước, bảo vệ sự bình an cho nhân dân trong cuộc sống. Trong nghi thức Cúng cô hồn, tế chiến sĩ trận vong, lương dân tử nạn, Hòa thượng Hoàn Quan viết: “Anh hùng vì nước hóa quên mình, cao cả tinh thần rất liệt oanh, xông lưới đạn gươm nơi trận địa, sống thì vĩ đại, thác quang vinh. Chí tâm triệu thỉnh các bậc tướng sĩ anh linh, ngự đến trai đàn, thọ hưởng cam lồ pháp vị” [9]. Tri ân là nhằm nhớ đến bậc tiền bối, những anh hùng dân tộc, những người đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân; trong Văn tế chiến sĩ trận vong có đoạn: “…niềm thân yêu xứ sở quê hương, cha mẹ vợ con đành gác lại, Tổ quốc là trên hết, đem xương máu đắp xây nền độc lập, nước hùng cường dân tộc tự do. Cho toàn dân áo ấm, cơm no, cho Tổ quốc vững bền văn hiến” [10]. Triết lý trong nghi lễ Phật giáo không những giúp con người biết về đạo lý làm người, mà nó còn giúp con người tìm về sự giác ngộ, tu tập để giải thoát luân hồi sinh tử.
Thứ ba, tìm về giác ngộ, giải thoát. Nghi lễ Phật giáo không chỉ là mang tính hình thức, mà bản chất của nghi lễ Phật giáo là một phương tiện nhằm giúp cho con người tìm về sự giác ngộ, nhận ra giác tính, bồ đề hay Phật tính của mình, giải thoát con người khỏi vòng luân hồi, sinh tử. Nghi lễ có nhiệm vụ, vai trò khai mở, hướng dẫn con người trở về với Phật pháp, như là “chiếc bè đưa người qua sông” tìm về chốn bình an trong cuộc sống. Thông qua nghi thức cúng cơm cho người mất, các thầy đã đưa giáo lý của đức Phật lồng ghép vào nội dung của nghi thức. Chằng hạn trong bài cúng cơm hương linh, Hòa thượng Hoàn Quan viết: “Tuân lời Phật dạy, muốn cho siêu thoát, phải nhờ phước lực mới nên”; “… nhờ diệu pháp thẳng về nơi tịnh độ, đài sen chín bậc tiêu dao, trượng phước duyên mau thoát chốn u đồ, đức Phật chí tôn tiếp dẫn” [11]. Do đó, muốn siêu thoát cho hương linh thì người thân, quyến thuộc phải biết tu tạo phước lành, tuân lời dạy của đức Phật tạo nhiều phước báo, bố thí, phóng sinh cầu phước, hồi hướng cho người đã mất. Mặt khác, người còn sống, thân bằng, quyến thuộc, anh, chị, em trong gia đình đều biết quy y cửa Phật, tụng kinh, sám hối những tội lỗi của việc làm ngày trước đã tạo ra và dần dần hướng về Phật pháp.
Trong Thủy Sám Hoàn quyển sám linh điệp, Hòa thượng Giác Tiên viết: “Nếu người muốn thông suốt, ba đời tất cả Phật, nên quán tính pháp giới, hết thảy do tâm tạo; vâng Thích Ca Như Lai di giáo, đệ tử chủ hành việc chay Sa Môn…”[12]. Trong ý niệm đó, lời văn điệp của Hòa thượng muốn gửi đến cho mọi người hiểu rõ hơn về “tâm” của mình là đầu mối của tất cả mọi pháp giới chúng sinh, hằng ngày chúng ta nghĩ gì, nói gì và làm gì đều xuất phát từ “tâm” mà ra. Với một cái tâm như vậy, mọi lo âu và bức xúc về sống chết sẽ được giải tỏa. Con người cần phải chấp nhận và vượt lên trên chính mình để thấu rõ triết lý “vô thường”, “vô ngã”. Bởi vì, mọi pháp đều không sinh, mọi pháp đều không diệt, cho nên không cần quan tâm đến hình hài, thân xác, mà phải thấy rõ giá trị cuộc sống, đề cao ý nghĩa giá trị đạo đức, thái độ sống của chính con người; cao hơn hết, đó là cùng với mọi người lên bờ giác ngộ, cùng chứng chân thường, trong lời văn điệp, Hòa thượng viết: “…Nay tất khai tuyên Pháp Từ bi Tam muội thủy sám quyển thứ nhất (hai, ba) đã xong; kính dâng điệp văn một bức, ngưỡng mong cầu kim linh thu giữ; làm bát nhã ấy cầu qua, là vãng sinh ấy chứng cứ; cùng lên bờ giác, mãi chứng chân thường. Kính dâng điệp cúng nầy” [13]. Do đó, tư tưởng Phật giáo luôn luôn quan tâm đến những vấn đề của con người khi còn sống hơn là quan tâm đến những vấn đề về con người sau khi chết.
Có thể nói, Phật giáo chủ trương “độ sinh hơn độ tử”. Con người phải hiểu được giá trị cuộc sống, ý nghĩa giá trị đạo đức, cần phải sống giữa cuộc đời để giải quyết những vấn đề của đời thường. Do vậy, Phật giáo chú trọng đến sự giác ngộ chân lý, giải thoát ngay khi còn sống. Chính vì thế, nhiệm vụ của nghi lễ Phật giáo là thực hành những nghi thức cúng bái trong đời sống, song song với việc chuyển hóa, truyền tải giáo lý nhằm giúp cho con người tu dưỡng đạo đức, trí tuệ để đạt đến giác ngộ – giải thoát và quan trọng hơn là sống có ích cho đời, cho gia đình, xã hội và dân tộc.
Tóm lại, trong đời sống tinh thần của đại đa số người Việt đã gắn liền với những nghi thức của Phật giáo Việt Nam và trở thành một phần không thể tách rời đời sống tâm linh của người Việt từ xưa cho đến ngày nay. Phật giáo Việt Nam nói chung, nghi lễ Phật giáo Việt Nam nói riêng đã đáp ứng được nhu cầu cần thiết của đời sống tâm linh người Việt, mang đến cho họ những giá trị nhân văn hết sức sâu sắc. Thông qua việc lễ bái, thờ cúng ông bà, tổ tiên, sinh hoạt tôn giáo, con người nhìn lại chính bản thân mình, tự tu dưỡng rèn luyện tác phong đạo đức, đạo lý làm người, biết tri ân và báo ân, chấn chỉnh, sửa đổi những vi hành của mình ngày càng hoàn thiện hơn, sống vì tha nhân hơn là vì bản thân mình.
Nghi lễ Phật giáo không chỉ là những hình thức lễ nghi thông thường, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh, cúng bái, cầu an, cầu phước, mà nghi lễ chứa đựng những thông điệp hết sức sâu sắc bằng những triết lý sống sinh động của Phật giáo được trình bày trong nội dụng của các bài tán, tụng, sớ văn, kệ thỉnh. Trên tinh thần “độ sinh hơn độ tử” cũng là mục đích của các bậc tôn túc, các vị Hòa thượng với tâm nguyện chấn hưng Phật giáo, truyền tải giáo lý khắp mọi nơi bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có thể nói nghi lễ là một trong những phương tiện góp phần không nhỏ trong công tác hoằng truyền chính pháp sâu rộng trong đời sống quần chúng nhân dân, từ làng quê đến thành thị; từ người nghèo cho đến người giàu; từ giai cấp thấp cho đến giai cấp cao; từ thứ dân cho đến bậc vua chúa, lãnh đạo.
Trong thời đại ngày nay, chúng ta cần xem xét nghi lễ Phật giáo ở góc độ triết lý hơn là xem nghi lễ như một “nghề kiếm cơm”, một hình thức thương mại vì lợi ích kinh tế; từ đó nghi lễ Phật giáo đã có đôi lúc bị “biến tướng”, pha trộn những hình thức “dị thường”; “mê tín”, đi ngược lại với quan điểm, mục đích, ý nghĩa của nghi lễ Phật giáo Việt Nam, đi ngược đường lối, chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Song song đó, nghi lễ Phật giáo Việt Nam còn là một nghệ thuật văn hóa phi vật thể, chứa đựng những nét đẹp nghệ thuật tán, tụng của các vùng, miền Nam, Trung, Bắc hết sức độc đáo. Nó ẩn chứa tâm tư, tình cảm của con người Việt thông qua các điệu tán, tụng, trầm, bổng… Do đó, nghi lễ Phật giáo Việt Nam không chỉ là nghệ thuật văn hoá Phật giáo Việt Nam, mà còn góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa nghệ thuật phi vật thể của dân tộc.
Theo: tapchinghiencuuphathoc.vn
Tại Đá mỹ nghệ Đà Nẵng là đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm tượng Phật giáo. Chúng tôi tự tin là địa điểm được khách hàng tin tưởng và lựa chọn tin dùng. Ngoài ra, Đá mỹ nghệ Đà Nẵng chuyên thực hiện các đơn hàng xuất khẩu, chuyên thực hiện các đơn hàng tượng phật cho các chùa theo yêu cầu đi nước ngoài. Nếu bạn đang có nhu cầu hoặc thắc mắc bất cứ thông tin nào liên quan đến: tượng Phật Quan Âm, Phật Thích Ca, Phật Di Lặc,… hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí.
Thông tin liên hệ:
gọi để nhận tư vấn miễn phí